Góc phong thủy: Nguyên tắc chọn địa điểm và phương pháp đi lễ

{fullname} {fullname} | 10-03-2016, 17:52 | Phong thủy

Không phải “lễ chúa Kho, chùa Hương, Yên Tử, Bái Đính hoặc một đền miếu nào đó thì phải đi 3 năm liên tiếp” hay “hành hương” sang tận Ấn Độ, Nêpan mới thực sự là “thành tâm”. Muốn sở cầu như nguyện, quan trọng nhất là phải chọn đúng thời gian, địa điểm và hành lễ đúng nguyên tắc...


Góc phong thủy: Nguyên tắc chọn địa điểm và phương pháp đi lễ

Ảnh mình họa. Nguồn: Internet.

Các trường phái phong thủy - địa lí đều khẳng định “địa linh tất sinh nhân kiệt”. Tuy nhiên, do hiểu nhầm chữ “linh” trong câu này với “linh ứng” nên hầu hết mọi người quyết định lựa chọn địa điểm đi lễ chỉ vì “nghe nói thiêng lắm”.

Thực chất “địa linh” nói đến trong phong thủy - địa lí là “linh khí”, tức là những nơi hội tụ nhiều linh khí của trời đất, núi sông thì sẽ có ảnh hưởng tốt đối với con người, nhất là về sức khỏe và trí tuệ...

Phong thủy Huyền Không và các thư tịch liên quan đến Thần sát hàng năm đều tính toán đưa ra phương hướng tốt - xấu trong trời đất, gọi là hướng “đại lợi” và hướng “đại sát” để chọn xuất hành cầu tài lộc, cầu an; chọn tuổi xông đất. Nói cách khác, chọn phương hướng hội tụ nhiều linh khí để tiếp phúc; chọn người có vận khí tốt để “mượn lộc”.

Linh khí, phong thủy còn gọi là “sinh khí, tú khí”... đối lập với “sát khí, tà khí”. Bởi vậy, địa điểm đi lễ trước hết phải là những đền chùa, miếu mạo được kiến tạo ở hướng “đại lợi” trong năm. Chẳng hạn, năm 2016 đại lợi ở hai hướng đông - tây, địa điểm và phương hướng đi lễ tất nhiên cũng phải chọn ở hai hướng đông - tây.

Về thời gian, mùa xuân mộc khí vượng, đi lễ ở hướng đông, cầu tài lộc, sức khỏe, học hành, quan vận; mùa thu kim khí vượng, đi lễ ở hướng tây, cầu bình an, phúc thọ...

Thời gian và không gian cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hành lễ. Phong thủy cho rằng, buổi sáng đến giờ Thìn thì dương khí vừa đủ, buổi chiều vào giờ Thân thì âm khí quân bình. Bởi vậy nếu không phải là những nghi lễ đặc thù, hai cung giờ nêu trên là phù hợp nhất để hành lễ vào buổi sáng và buổi chiều.

Linh khí hội tụ nhờ âm tĩnh, sát khí phồn sinh do dương động. Do đó những nơi không gian càng ồn ào náo nhiệt thì càng nhiều sát khí. Đền chùa, miếu mạo hoặc những nơi tập trung đông người không phải là địa điểm phù hợp để hành lễ.

Muốn đi lễ đạt hiệu quả như mong muốn, trước hết cần xác định rõ mục đích của chuyến đi, thời gian, địa điểm và đặc biệt là không nên đến những nơi ồn ào náo nhiệt hoặc có nhiều gió lớn.

Đối với người đi lễ, trước hết và bắt buộc là phải thành tâm. Sự thành tâm phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể như sau:

Phát tâm hướng thiện, làm cho suy nghĩ của mình “thanh tịnh” thì mới cảm ứng được với “tịnh ý” của thần phật. Tâm sinh tướng, trạng thái tâm lí của mỗi người phần lớn đều thể hiện trong ánh mắt, sắc mặt và cuối cùng là hành vi của họ.

Phong thủy cho rằng, trạng thái tâm lí chuyên nhất (tâm chí thành) của con người sẽ sinh ra một dạng cá biệt ngũ hành có khả năng hấp dẫn dạng ngũ hành tương ứng trong vũ trụ. Do đó tâm tà (mong muốn lợi kỉ) sẽ hấp dẫn tà khí, tâm thiện (trong sáng, chuyên nhất) sẽ hấp dẫn sinh khí, vượng khí.

Đạo phật (tịnh độ) yêu cầu “thành tâm” niệm Phật phải đủ “tam tư lương” (tín - hạnh - nguyện) thì linh ứng. Nhiều người cho rằng, thần phật cũng như mình, nhiều lễ vật mới là thành tâm hoặc thành tâm thì phải có lễ vật. Đây là quan niệm rất sai lầm. Xưa, Lương Vũ Đế xây cất nhiều chùa lớn, cúng dàng bằng ngọc ngà châu báu, ưu ái tăng nhân, phát lương cứu tế... nhưng Bồ đề Đạt Ma nói, “Bệ hạ chẳng có công đức gì cả”.

Những người đi lễ mà chen lấn xô đẩy, dâng lễ để xin lộc chắc chắn là người đầy tham tâm, dã tâm hoặc không hiểu đúng đắn về hai chữ “thành tâm” trong phương pháp hành lễ. Thành tâm phải là phát tâm bồ đề, tin vào những điều tốt đẹp và mong muốn điều tốt lành đến với mọi người.

Tâm chí thành phải được đặt trong thân thanh tịnh. Người đi lễ phải trai giới (đặc biệt cấm rượu thịt), trên đường đi và đến nơi hành lễ phải luôn giữ thân thể, trang phục sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng. Lời nói, thái độ phải từ tường, điềm đạm.

Trong suốt hành trình đi lễ không nên rẽ ngang tạt dọc, tránh những nơi nhiều uế khí như hàng quán, lò giết mổ, nghĩa trang, nghĩa địa; không xô xát, tranh cãi... khiến trong lòng có nộ khí.

Những người hành hương hoặc đi lễ đường xa, sau khi đến khu vực lễ nên dành thời gian nghỉ ngơi, thậm chí tắm rửa, chỉnh đốn trang phục ngay ngắn. Chỉ tiến hành làm lễ khi tâm trạng thư thái, tinh thần an ổn nhất. Không mang theo đồ dùng cá nhân (túi xách, mũ nón, ô dù, khăn áo, giày dép...) vào nơi hành lễ; không đụng chạm vào tượng, đồ đạc; không đặt tiền vào ban thờ, tay tượng.

Giữ thái độ cung kính, nhất tâm thủ tín. Đứng (hoặc quỳ) lễ chếch về bên trái hương án (bên phải của mình); đi vào - ra từ cửa bên tay phải sang trái, không đi qua cửa chính.

Khi hành lễ không nên cầu khấn thành lời. Phương pháp hiệu quả nhất là tâm niệm hình ảnh vị thần - phật mình kêu cầu và hình ảnh người được kêu cầu (nếu kêu cầu cho người thân). Giữ nhịp thở đều đặn, điều hòa, dùng tâm chí thành để “truyền sóng” điều mình khấn nguyện đến thần phật. Người hành lễ sẽ cảm nhận rõ rệt sự linh ứng ngay trong hơi thở và các giác quan của mình.

Từ khoá : phong, Nguy
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Tuyển dụng